Trang chủ Dân IT Lầm tưởng về ngành lập trình

Lầm tưởng về ngành lập trình

Nguyễn Dương 07-06-2024

Từ khi đi học phổ thông cho đến khi đi làm, bản thân mình đã bắt gặp rất nhiều người có những lầm tưởng về ngành lập trình, ngành công nghệ thông tin. Bản thân mình cũng đã từng nghĩ làm lập trình viên là phải rất giỏi toán, từng nghĩ không biết mình có học nổi ra trường không.

LẬP TRÌNH VIÊN LÀ PHẢI BIẾT SỬA CHỮA MÁY TÍNH

Đây được coi là lầm tưởng ngây ngô nhất về ngành lập trình, ngành công nghệ thông tin. Lĩnh vực này cũng như lĩnh vực khác, ngành nghề khác, nó có nhiều chuyên ngành khác nhau. Lập trình chỉ là một chuyên ngành trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Ngoài ra còn nhiều chuyên ngành khác như: Phân tích hệ thống (System Analyst), Quản trị cơ sở dữ liệu (Database Administrator), Khoa học máy tính (Computer science)...........

Lập trình là công việc thiết kế và tạo ra các phần mềm, ứng dụng cho các thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại, Smart TV........... Ví dụ như Zalo, Yahoo, Word, Excel, Unikey. 
Còn sửa chữa máy tính là công việc thiên về phần cứng của máy, để theo được chuyên ngành này đòi hỏi bạn phải có kiến thức về điện, điện tử cơ bản; mạch điện tử; am hiểu về các dòng máy tính, ưu nhược điểm của các dòng máy, các dòng linh kiện máy tính; nắm được các lỗi, ban bệnh của mỗi dòng máy; biết sử dụng các công cụ kiểm tra và sửa chữa máy tính như đồng hồ đo điện, card test main, tải giả, máy nạp Rom, máy đóng chân chip và yếu tố then chốt là phải biết khò, hàn, gắp linh kiện thì mới sửa được. Khò, hàn để sửa chữa máy tính rất khó vì các bạn sẽ phải thay thế những linh kiện bé tí teo, cần phải có thời gian rèn luyện mới làm được. 
Nói chung đây là 2 chuyên môn khác nhau, lập trình viên thì sẽ phải biết kiến thức cơ bản về phần cứng máy tính, mạch điện tử nhưng không đi sâu về nó và đương nhiên học lập trình không phải để đi sửa máy tính.

LẬP TRÌNH VIÊN LÀ PHẢI RẤT GIỎI TOÁN


Đa số chúng ta sẽ mắc phải lầm tưởng này vì tư duy toán và tư duy lập trình khá giống nhau. Nhưng về cơ bản đây là 2 môn học, 2 lĩnh vực khác nhau nên bạn học không giỏi toán thì không có nghĩa là bạn không theo được ngành lập trình. Và học giỏi toán thì không có nghĩa là sẽ giỏi lập trình. 
Để học lập trình thì bạn chỉ cần biết cộng trừ nhân chia, giải phương trình cơ bản là được rồi. Ngoài ra, có 2 phần trong môn toán sẽ hữu ích cho việc học lập trình là toán logic và xác suất thống kê. Còn về nhưng phần khác trong toán (như đạo hàm, tích phân........) thì bản thân mình thấy chưa ứng dụng gì trong việc đi làm lập trình.
Có một số chuyên ngành như Machine Learning, AI, xử lý hình ảnh sẽ cần phải học sâu về toán nhiều hơn nhưng đa số làm lập trình viên thì không cần phải như vậy.

LẬP TRÌNH VIÊN LÀ PHẢI CỰC KỲ THÔNG MINH

Nghề lập trình cũng là một nghề giống như bao nghề khác, nó không phải là một công việc gì mang tính nghiên cứu khoa học sâu xa hay cao siêu gì cả. Trong nghề này cũng có người này người nọ, có trình độ cao thấp khác nhau, chuyên mảng khác nhau.

Nhiều bạn lầm tưởng làm lập trình là phải thông minh cỡ như Bill Gate hay Mark Zukerberg. Thực tế thì không cần phải thiên tài như vậy mới theo được nghề lập trình đâu. Bạn chỉ cần là một người bình thường là được rồi, không cần phải quá xuất sắc. Quan trọng là bạn có yêu thích công việc lập trình hay không, có chịu khó tìm tòi học hỏi hay không.

ĐỂ TRỞ THÀNH LẬP TRÌNH VIÊN THÌ CHỈ CẦN HỌC NGÔN NGỮ LẬP TRÌNH LÀ XONG

 Đây là lầm tưởng của nhiều bạn học sinh phổ thông, nghĩ rằng chỉ cần học ngôn ngữ lập trình là đi làm được. Một số bạn hiểu đơn giản là chỉ cần học thuộc các cú pháp, câu lệnh của ngôn ngữ lập trình đó là trở thành lập trình viên.
Ngôn ngữ lập trình chỉ là công cụ để lập trình viên tạo ra phần mềm, ứng dụng. Điều quan trọng là bạn phải có tư duy lập trình, cái này không phải cứ học trong trường là có mà phải đi làm, có quá trình rèn luyện mới được.
Hơn nữa, học ngôn ngữ lập trình thì dễ, thành thạo ngôn ngữ đó mới khó. Không phải cứ học xong một môn học, một khóa học là xong. Để thành thạo được thì chúng ta phải rèn luyện, phải thực hành dài dài. Đôi khi còn phải mắc sai lầm thì chúng ta mới trưởng thành được.
Để trở thành một lập trình viên thì không chỉ học mỗi ngôn ngữ lập trình là xong. Chúng ta còn phải học rất nhiều môn học khác như hệ điều hành, mạng máy tính, kiến trúc máy tính, cơ sở dữ liệu, cấu trúc dữ liệu & giải thuật, kiểm thử phần mềm, mạch điện tử, toán rời rạc, toán cao cấp............ Ngoài ra còn phải học hỏi rất nhiều điều trong cuộc sống, rèn luyện rất rất nhiều kỹ năng khác (kỹ năng cứng, kỹ năng mềm và cả kỹ năng sống nữa).

LẬP TRÌNH LÀ CHỈ NGỒI VIẾT CODE 


Nhiều bạn sinh viên đang học hoặc mới ra trường nghĩ rằng công việc sau này của mình sẽ chỉ ngồi viết code. Thực tế, viết code chỉ là một phần trong công việc hàng ngày của lập trình viên. Ngoài viết code ra thì chúng ta sẽ phải làm rất nhiều việc. Ví dụ như fix bug chẳng hạn. Viết code 1 tiếng nhưng fix thì chắc phải đến 3 tiếng. Khi đi làm rồi thì sản phẩm bạn phải làm sẽ không đơn giản như những bài tập trong trường đâu. Nó phức tạp hơn rất nhiều. Khi còn đi học, chúng ta chỉ viết code để chương trình chạy được là được điểm. Nhưng khi đi làm thì còn vô vàn vấn đề cần phải giải quyết. Để tạo ra được một sản phẩm phần mềm thì phải trải qua rất nhiều công đoạn. 
Vậy nên công việc của một lập trình viên không phải chỉ ngồi viết code mà còn rất nhiều công việc khác. Như giao tiếp với khách hàng, họp với khách hàng, tư vấn cho khách hàng, fix lỗi, thiết kế và đưa ra giải pháp, tự học, tìm hiểu tài liệu mới công nghệ mới, họp và làm việc nhóm, viết báo cáo..........

Lời kết: Trên đây là 5 lầm tưởng phổ biến nhất về ngành lập trình, mình thấy xuất hiện đa số ở các bạn học sinh và sinh viên. Hy vọng bài viết này giúp các bạn có nhận thức đúng đắn về ngành lập trình và có quyết định đúng đắn về hướng đi cho bản thân nhé. ^^

Bài viết liên quan

Lỗi php office, php spread sheet khi cài Laravel Lỗi php office, php spread sheet khi cài Laravel
Cơ hội việc làm từ FPT Software Cơ hội việc làm từ FPT Software
Registry là gì Registry là gì
Quick Format và Full Format Quick Format và Full Format
Nén dữ liệu là gì? Nén dữ liệu là gì?
Lầm tưởng về ngành lập trình Lầm tưởng về ngành lập trình