Tổng quan phần cứng máy tính
Nguyễn Dương 06-06-2024Nay chúng ta cùng đi tìm hiểu tổng quát về phần cứng máy tính. Các bạn cần phải hiểu được những kiến thức cơ bản về cấu tạo máy tính, nguyên lý hoạt động của máy tính. Vì tất cả các phần mềm hoạt động được đều phải dựa trên nguyên lý hoạt động của phần cứng máy tính. Không có phần cứng thì sao có phần mềm được đúng không nào.
I. CHU TRÌNH XỬ LÝ THÔNG TIN CỦA MÁY TÍNH
Dữ liệu được nhập từ các thiết bị nhập (bàn phím, chuột, micro, máy scan ảnh ...) sau đó sẽ được mã hóa thành ngôn ngữ máy rồi đưa vào bộ xử lý chính. Tại đây bộ xử lý chính sẽ tiến hành phân tích, xử lý dữ liệu rồi quá trính giải mã sẽ diễn ra. Sau khi giải mã xong thì dữ liệu sẽ được truyền ra các thiết bị xuất ( màn hình, loa, máy in, máy chiếu ...)
II. CÁC BỘ PHẬN CỦA MÁY TÍNH
1. Mainboard - Bo mạch chủ
- Đây là bộ phận quan trọng nhất của máy tính. Là nơi kết nối các linh kiện máy tính và các thiết bị ngoại vi với nhau. Là bộ phận quyết định giới hạn của cấu hình máy. Được ví như bộ xương của máy tính.
- Main điều chỉnh, phân phối điện áp đến các linh kiện và thiết bị máy tính.
- Main điều chỉnh đường đi và tốc độ của các luồng dữ liệu trong máy tính.
- Mainboard chiếm gần 50% giá tiền của một chiếc máy tính. Và 50% các lỗi hỏng máy tính cũng từ mainboard mà ra. Đối với các bạn thợ sửa máy tính thì đấy là chỗ hái ra tiền đấy. Ăn, quay tay và sửa main máy tính. Hehehe.
2. CPU - Central Processing Unit
Đây là bộ vi xử lý trung tâm, nơi diễn ra quá trình phân tích, xử lý dữ liệu. CPU được ví như bộ não của máy tính. Tốc độ xử lý của máy tính phụ thuộc chủ yếu vào CPU.
3. RAM (Random Access Memory)
RAM hay còn gọi là bộ nhớ tạm thời, tức là mọi dữ liệu trên đây sẽ biến mất sau khi bạn Restart lại máy. RAM cũng là một trong những bộ phận rất quan trọng trong máy tính và nó cũng ảnh hưởng rất nhiều đến tốc độ và hiệu suất làm việc của máy tính. Nó hỗ trợ cho CPU trong quá trình xử lý dữ liệu.
Trong quá trình máy tính làm việc, CPU sẽ không thể tự mình giải quyết đồng thời tất cả các công việc cùng một lúc được, RAM được sinh ra với nhiệm vụ chia sẻ gánh nặng với CPU, có nghĩa là nó sẽ lưu lại tạm thời những thông tin mà bạn vừa thao tác trên máy tính và nó sẽ lưu lại và đẩy từ từ các thông tin vào cho CPU xử lý, để cho CPU không bị quá tải. Dung lượng của RAM càng lớn thì lưu trữ được càng nhiều thông tin và đồng nghĩa với việc bạn sẽ xử lý và làm nhiều việc cùng một lúc.
4. Ổ đĩa cứng
- Ổ đĩa cứng là thiết bị lưu trữ toàn bộ dữ liệu của máy tính. Bao gồm cả hệ điều hành, phần mềm, văn bản, hình ảnh, video, âm thanh ...v...v...
- Hiện nay trên thị trường có 2 loại là ổ HDD và ổ SDD. Ổ HDD có giá rẻ hơn rất nhiều so với ổ SSD. Nhưng ổ SSD có tốc độ xử lý nhanh gấp 10 lần so với HDD. Nên hiện nay các nhà sản xuất hoặc các cửa hàng họ thường lắp cả 2 loại để bán cho người dùng. Ổ SSD để cài hệ điều hành. Còn ổ HDD thường sẽ có dung lượng lớn để lưu trữ dữ liệu.
5. Nguồn
Máy tính sử dụng dòng điện 1 chiều (DC) để hoạt động. Sau khi máy tính được được cắm điện, dòng điện xoay chiều (AC) của nhà bạn sẽ đi qua bộ nguồn và được chuyển hóa thành dòng 1 chiều để nuôi các linh kiện máy tính. Nếu nguồn điện yếu sẽ không đủ năng lượng để nuôi cho các linh kiện hoạt động, máy sẽ bị Restart. Nếu nguồn quá mạnh sẽ gây hư hại cho mainboard và các linh kiện.
6. Card đồ họa
Đây là thiết bị xử lý tất cả dữ liệu hình ảnh, video để xuất ra màn hình. Các bạn game thủ, biên tập đồ họa rất quan tâm đến thiết bị này.
7. Ổ đĩa quang (CD - DVD)
Đây là ổ đĩa để nhập dữ liệu từ ngoài vào máy tính. Chắc bạn nào cũng biết thiết bị này rồi nhỉ. Nhưng hiện nay ổ đĩa quang không còn được chuộng dùng lắm mà mọi người chủ yếu dùng USB và ổ cứng gắn ngoài, vì nó tiện dụng hơn rất nhiều.
III. TỔNG QUAN VỀ MAINBOARD
Các bộ phận thường có trên Mainboard gồm: Đế cắm CPU (socket), Chip cầu Bắc, Chip cầu Nam, khe cắm RAM, khe cắm PCI, cổng SATA (kết nối main với ổ đĩa cứng và ổ đĩa quang), IC LAN, IC Sound, ổ pin CMOS, các tụ điện, VRM (Vol Regu Module), Vcore, IC nguồn Vcore, ROM Bios, IO, IC SIO, Clockgen (Clocking), mosfet, IC nguồn RAM, IC so sánh và khuếch đại điện áp, ổ cắm 24 chân và 4 chân, cổng P/S2, cổng LPT, cổng USB, cổng VGA, cổng audio, Panel, ổ cắm Fan,.........
SƠ ĐỒ KHỐI CỦA MAINBOARD
Nhìn sơ đồ trên chắc các bạn cũng nhận ra, Chip cầu Bắc có nhiệm vụ kết nối CPU với RAM và card đồ họa. Đối với những Mainboard đời mới hiện nay thì Chip cầu Bắc đã được tích hợp vào với CPU nên các bạn sẽ không còn thấy con Chip cầu Bắc này nữa. Chip cầu Nam thì có nhiệm vụ quản lý IC mạng, IC âm thanh, các thiết bị ngoại vi và kích nguồn.
Bài viết liên quan
Thuật toán
Ngôn ngữ lập trình và phần mềm
Tổng quan phần cứng máy tính
Phép toán nhị phân
Khái niệm công nghệ thông tin, đơn vị đo thông tin